Friday, August 31, 2012

Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch sinh thái

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam :
Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch sinh thái


Tàu tuần tra KBTB đảo Cồn Cỏ

Với việc hội tụ các tiêu chí về sự đa dạng sinh học, có nhiều loài sinh động vật quý hiếm và có vị trí quan trọng về địa lý, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã được thành lập tháng 10/2009, nhằm mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học điển hình, bảo vệ, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, đồng thời tạo điều kiện phát triển nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giải trí...


Tháng 4 năm 2010, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ chính thức đi vào hoạt động với qui mô diện tích mặt nước gần 4.400 ha, bao gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, còn gọi là vùng lõi (534 ha), vùng phục hồi sinh thái (gần 1.400 ha) và vùng phát triển (gần 2.400 ha). Ngoài ra còn có vùng phát triển cộng đồng và vành đai khu bảo tồn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện KHCN Việt Nam cho biết: Kết quả nghiên cứu, thống kê cho thấy, tại vùng biển Cồn Cỏ có 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm loài động vật phù du, trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực. Đặc biệt, tại đây có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước hiện được đưa vào danh sách động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang trên bờ tuyệt chủng. Ngay cả các rạn san hô ở vùng biển Cồn Cỏ cũng có đặc điểm riêng với khoảng 113 loài san hô, đặc biệt là san hô sừng. Theo anh Phan Ngọc Minh, cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ: do dựa trên nền đáy là đá bazan nên rạn san hô ở đây có đặc thù khác với các vùng khác, chúng phát triển vững chắc, trong đó, khoảng một nửa là san hô cứng. Đảo Cồn Cỏ cũng nổi tiếng về loại cây phong ba, cây bàng vuông và một số loài thực vật đặc hữu khác.

Ngay từ những ngày đầu được thành lập, UBND huyện Cồn Cỏ đã tích cực phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn biển, trước hết là việc soạn thảo quy chế bảo vệ, quy chế phối hợp hoạt động của Khu bảo tồn, trong đó quy định rõ về việc neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn cho rạn san hô, không khai thác, kinh doanh san hô và những sinh vật biển quý hiếm khác. Ngoài ra còn có các qui định về bảo vệ môi trường sinh thái và hình thức đánh bắt hải sản... Tuy nhiên, để các quy định này trở thành hiện thực và được tuân thủ nghiêm ngặt không phải đơn giản. Các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn đã liên tục ngày đêm tuần tra bảo vệ trong khu vực, thường xuyên nhắc nhở, xử lý các vi phạm nhằm bảo vệ tốt nhất khu vực bảo tồn.

Anh Bùi Huy Minh, Thuyền trưởng tàu tuần tra Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết: "Công việc hàng ngày của chúng tôi là tuần tra trên biển và nhắc nhở ngư dân không được đánh bắt, neo đậu và lặn bắt sinh vật, kể cả khai thác hải sản ở vùng đệm xung quanh khu bảo tồn". Anh kể, đi tuần tra vào lúc 3h sáng, những ngày thời tiết thuận lợi đã là "nỗi vất vả thường nhật", nhưng gặp những ngày mưa, bão hay mùa đông lạnh giá thì... phải động viên nhau cố gắng nhiều hơn. Các anh thường coi đó là một sự rèn luyện bởi cuộc sống và công việc "đặc thù". Đôi khi, đội tuần tra của các anh cũng phải dùng đến chế tài hoặc cùng phối hợp với lực lượng công an, biên phòng áp dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, thời gian qua, ý thức tôn trọng pháp luật và tuân thủ các qui định trong khu vực bảo tồn của ngư dân đã được nâng cao hơn trước, các vi phạm đã giảm hơn rất nhiều và những vụ phải xử lý cứng rắn chỉ là hãn hữu.

Trên đường tuần tra theo qui định một vòng quanh khu vực bảo tồn của đảo Cồn Cỏ, cả đoàn công tác đã gặp một số tàu cá của ngư dân đang neo đậu. Ông Lương Văn Minh, ngư dân huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, tàu của ông hoạt động ở khu vực cách đảo Cồn Cỏ 5 – 7 hải lý nhưng khi đài báo gió thì thường chạy vào gần đảo để neo đậu. Ông cho biết: "Được các cán bộ của Khu bảo tồn tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi đã hiểu là phải neo đậu tàu thuyền ngoài khu vực phao vàng báo hiệu vùng bảo tồn, ngư dân chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các qui định để bảo tồn đảo Cồn Cỏ thiên nhiên lâu dài".

Tuy nhiên, trên thực tế, nhắc nhở hay xử phạt đều chưa phải là những biện pháp tối ưu để bảo vệ và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên mà tốt hơn là giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc bảo tồn và tự nguyện tham gia bảo vệ khu bảo tồn. Người dân cần hiểu rõ rằng muốn đảm bảo nguồn lợi hải sản để khai thác lâu dài thì phải gìn giữ các rạn san hô và hệ sinh thái biển. Điều đó giúp duy trì môi trường thuận lợi cho các loài thủy hải sản sinh sôi. Ngược lại, nếu môi trường bị hủy hoại, nguồn hải sản sẽ cạn kiệt dần và người chịu thiệt hại lớn nhất chính là các ngư dân.

Theo các nhà khoa học, trước đây, công tác bảo tồn thường đi đôi với việc cấm khai thác triệt để, nhưng hiện nay, chúng ta hiểu rằng bảo tồn biển thực chất là bảo vệ vùng lõi để tôm, cá sinh sôi. Theo hiệu ứng tràn, khi ở khu vực lõi mật độ hải sản quá cao thì tôm, cá tràn sang khu vực lân cận để sinh sống và ngư dân được phép đánh bắt hải sản ở chính khu vực "tràn" đó. Cồn Cỏ đang được phát triển để trở thành đảo du lịch vào năm 2020 và phấn đấu đón những du khách đầu tiên vào năm 2015. Như vậy, có một thực tế phải tính đến là liệu bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển du lịch có đặt ra đối với đảo Cồn Cỏ như đã từng xảy ra với các khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Trả lời vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện KHCN Việt Nam cho biết: Du lịch sinh thái là du lịch ở khu bảo tồn hoặc ở vùng có đa dạng sinh học cao. Nguyên tắc của loại hình du lịch này là dựa vào các hệ sinh thái và tuyệt đối không được ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của các hệ sinh thái đó. Công tác tổ chức du lịch phải dựa trên nguyên tắc đó để đưa ra các hình thức phù hợp.

Như vậy, lời giải cho bài toán nêu trên nằm ở khâu quy hoạch. Khi đã xác định một khu vực thuộc diện bảo tồn thì việc phát triển kinh tế-xã hội phải dựa vào quy hoạch tổng thể, hợp lý và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của khu bảo tồn. Điều đó chỉ có thể thực hiện tốt khi việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực có sự tham gia của những người làm công tác bảo tồn./.

Bài: Đỗ Quyên - TTXVN

CỒN CỎ- HÒN NGỌC XANH


..: CỒN CỎ- HÒN NGỌC XANH :..


Từ ngoài khơi nhìn lại, đảo Cồn Cỏ như một hòn ngọc xanh tròn trịa nhô lên giữa biển. Các nhà nghiên cứu đánh giá Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan, như một bảo tàng thiên nhiên phong phú, đa dạng...

Đảo Cồn Cỏ hôm nay



 Trong cái nắng miền Trung ngùn ngụt, đất đỏ lầm lên dưới những bước chân, cầu cảng Cồn Cỏ vẫn đang ngổn ngang trong giai đoạn chuyển mình. Những chiếc cần cẩu như những cánh tay khổng lồ, những xà lan chở từng khối bê tông... dự án mở rộng âu tàu - cảng cá dự kiến được đầu tư tới 300 tỉ đồng đang dần hình thành sẽ kết hợp phục vụ phát triển cả dân sinh và du lịch. “Xâm nhập” sâu hơn vào đảo nhỏ, cả đoàn nhận thấy không chỉ riêng khu cầu cảng, mà khu vực “trung tâm” cũng đang đổi thay từng ngày bởi tòa nhà làm việc của UBND huyện đảo đang trong những công đoạn cuối cùng để được đưa vào sử dụng trong tháng tới...
Gần 8 năm trước, ngày 1/10/2004 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của Cồn Cỏ bằng Nghị định của Chính phủ thành lập huyện đảo bao gồm toàn bộ một đảo lớn rộng 230 ha và hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi phát triển du lịch. Cồn Cỏ khá gần bờ, chỉ cách đất liền chưa đầy 30km, nơi có những bãi tắm đẹp nổi tiếng, Cửa Việt và Cửa Tùng - được xem là “nữ hoàng các bãi tắm”. Đảo Cồn Cỏ còn chứa đựng nhiều giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử bởi vị trí nằm trong khu vực gắn với những địa danh hiển hách: cầu Hiền Lương - địa đạo Vịnh Mốc - Thành cổ Quảng Trị. Trên đảo hiện vẫn còn nhiều chứng tích chiến tranh, khu địa đạo dọc ngang trên đảo dài hơn 20 km, hệ thống lô cốt dọc bờ biển, các khu nhà pháo... Gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong những năm tháng hào hùng của lịch sử, Cồn Cỏ là đảo anh hùng nổi tiếng đã từng được Bác Hồ gửi thư khen, 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù diện tích không lớn (khoảng 2,5km2) nhưng lại có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Trung bộ, gần nhiều tuyến đường hàng hải trong nước và quốc tế, nên Cồn Cỏ cũng đóng vai trò rất lớn trong công tác phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải và là một địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của hệ thống đảo, hải đảo và vùng biển Việt Nam.
 Từ ngoài khơi nhìn lại, đảo Cồn Cỏ như một hòn ngọc xanh tròn trịa nhô lên giữa biển, các nhà nghiên cứu đánh giá Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan, như một bảo tàng thiên nhiên phong phú, đa dạng. Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi gần 80% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Mặc dù từng bị chiến tranh tàn phá, nhưng đến nay, rừng nguyên sinh trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn gần như nguyên vẹn và thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm trong số các đảo được hình thành bởi núi lửa giữa biển khơi. Dấu vết còn lại của sự hình thành ấy là những thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển cùng với các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò điệp, cát... khiến cho đảo nhỏ thêm duyên dáng và xinh đẹp. Hệ thực vật trên đảo rất phong phú với nhiều cây cổ thụ to 3 - 4 người ôm, một số loài cây lạ không có ở đất liền như loại cây thân vằn, có nhiều đốt, cây "dầu máu" (loại cây gỗ cứng có nhựa đỏ như máu), một số loài khoai dại (lá to hơn lá chuối), cây sâm cau, nhàu nhàu... Khu vực biển đảo Cồn Cỏ cũng là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá đang trong tình trạng rất tốt, đa dạng về thành phần loài, với khoảng 113 loài san hô, đặc biệt là san hô sừng... Khu vực đảo cũng tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quí, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực... Đặc biệt, tại đây có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang có nguy cơ tuyệt chủng... 

Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cho biết, với định hướng phát triển thành đảo du lịch sinh thái vào năm 2020 và chính thức đón khách du lịch từ năm 2015, mọi nỗ lực của huyện đảo đều tập trung vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, kết hợp với phát triển kinh tế biển để xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến trù phú, hấp dẫn. Hiện nay, một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên đảo như hệ thống âu tàu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, các tuyến đường giao thông trên đảo phục vụ đi lại của nhân dân và phục vụ du lịch đang dần hình thành, tạo nên diện mạo khang trang cho Cồn Cỏ. Hệ thống điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc đã được đầu tư, hệ thống phát thanh, truyền hình, viễn thông đã được phủ kín. Bên cạnh đó, hệ thống trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đã và đang được hoàn thiện... Phương án xây hồ trữ nước ngọt trên đảo đang được triển khai và cả dự án sân bay...
Xóm thanh niên xung phong trên đảo giờ đây cũng đã ríu ran tiếng trẻ trong những ngôi nhà mà Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng cho các gia đình. Anh Ngô Văn Phong quê ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng trị) ra đảo Cồn Cỏ từ năm 2002 trong đội ngũ những thanh niên xung phong đầu tiên, bén duyên cùng một nữ đồng đội, anh chị đã quyết định xây dựng tổ ấm tại hòn đảo tiền tiêu này. Hiện nay anh là nhân viên hợp đồng của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Cuộc sống trên đảo còn nhiều thiếu thốn, nhưng anh chị đã cùng 8 gia đình thanh niên xung phong khác xây dựng những mái ấm trên đảo. Anh cũng như những gia đình ở đây đều mong muốn đảo nhỏ sớm đón những khách du lịch đầu tiên, khi đó, các gia đình có thể tham gia vào dịch vụ du lịch vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa đóng góp vào sự phát triển của đảo... 
Khối lượng công việc trước mắt vẫn còn khá bộn bề bởi trên đảo vẫn chưa có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ du khách, các dịch vụ khác cũng hầu như rất sơ khai. Thời gian 3 năm không phải là nhiều cho những dự án để xây dựng Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch, "người Cồn Cỏ" đang nỗ lực để hòn đảo xanh có thể bắt đầu đón du khách vào năm 2015.
 Bài, ảnh: Đỗ Quyên

Bài đăng phổ biến