Friday, August 31, 2012

Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch sinh thái

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam :
Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch sinh thái


Tàu tuần tra KBTB đảo Cồn Cỏ

Với việc hội tụ các tiêu chí về sự đa dạng sinh học, có nhiều loài sinh động vật quý hiếm và có vị trí quan trọng về địa lý, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã được thành lập tháng 10/2009, nhằm mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học điển hình, bảo vệ, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, đồng thời tạo điều kiện phát triển nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giải trí...


Tháng 4 năm 2010, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ chính thức đi vào hoạt động với qui mô diện tích mặt nước gần 4.400 ha, bao gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, còn gọi là vùng lõi (534 ha), vùng phục hồi sinh thái (gần 1.400 ha) và vùng phát triển (gần 2.400 ha). Ngoài ra còn có vùng phát triển cộng đồng và vành đai khu bảo tồn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện KHCN Việt Nam cho biết: Kết quả nghiên cứu, thống kê cho thấy, tại vùng biển Cồn Cỏ có 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm loài động vật phù du, trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực. Đặc biệt, tại đây có loài cua đá đặc hữu vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước hiện được đưa vào danh sách động vật được bảo vệ nghiêm ngặt vì đang trên bờ tuyệt chủng. Ngay cả các rạn san hô ở vùng biển Cồn Cỏ cũng có đặc điểm riêng với khoảng 113 loài san hô, đặc biệt là san hô sừng. Theo anh Phan Ngọc Minh, cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ: do dựa trên nền đáy là đá bazan nên rạn san hô ở đây có đặc thù khác với các vùng khác, chúng phát triển vững chắc, trong đó, khoảng một nửa là san hô cứng. Đảo Cồn Cỏ cũng nổi tiếng về loại cây phong ba, cây bàng vuông và một số loài thực vật đặc hữu khác.

Ngay từ những ngày đầu được thành lập, UBND huyện Cồn Cỏ đã tích cực phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn biển, trước hết là việc soạn thảo quy chế bảo vệ, quy chế phối hợp hoạt động của Khu bảo tồn, trong đó quy định rõ về việc neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn cho rạn san hô, không khai thác, kinh doanh san hô và những sinh vật biển quý hiếm khác. Ngoài ra còn có các qui định về bảo vệ môi trường sinh thái và hình thức đánh bắt hải sản... Tuy nhiên, để các quy định này trở thành hiện thực và được tuân thủ nghiêm ngặt không phải đơn giản. Các cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn đã liên tục ngày đêm tuần tra bảo vệ trong khu vực, thường xuyên nhắc nhở, xử lý các vi phạm nhằm bảo vệ tốt nhất khu vực bảo tồn.

Anh Bùi Huy Minh, Thuyền trưởng tàu tuần tra Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cho biết: "Công việc hàng ngày của chúng tôi là tuần tra trên biển và nhắc nhở ngư dân không được đánh bắt, neo đậu và lặn bắt sinh vật, kể cả khai thác hải sản ở vùng đệm xung quanh khu bảo tồn". Anh kể, đi tuần tra vào lúc 3h sáng, những ngày thời tiết thuận lợi đã là "nỗi vất vả thường nhật", nhưng gặp những ngày mưa, bão hay mùa đông lạnh giá thì... phải động viên nhau cố gắng nhiều hơn. Các anh thường coi đó là một sự rèn luyện bởi cuộc sống và công việc "đặc thù". Đôi khi, đội tuần tra của các anh cũng phải dùng đến chế tài hoặc cùng phối hợp với lực lượng công an, biên phòng áp dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, thời gian qua, ý thức tôn trọng pháp luật và tuân thủ các qui định trong khu vực bảo tồn của ngư dân đã được nâng cao hơn trước, các vi phạm đã giảm hơn rất nhiều và những vụ phải xử lý cứng rắn chỉ là hãn hữu.

Trên đường tuần tra theo qui định một vòng quanh khu vực bảo tồn của đảo Cồn Cỏ, cả đoàn công tác đã gặp một số tàu cá của ngư dân đang neo đậu. Ông Lương Văn Minh, ngư dân huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, tàu của ông hoạt động ở khu vực cách đảo Cồn Cỏ 5 – 7 hải lý nhưng khi đài báo gió thì thường chạy vào gần đảo để neo đậu. Ông cho biết: "Được các cán bộ của Khu bảo tồn tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi đã hiểu là phải neo đậu tàu thuyền ngoài khu vực phao vàng báo hiệu vùng bảo tồn, ngư dân chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các qui định để bảo tồn đảo Cồn Cỏ thiên nhiên lâu dài".

Tuy nhiên, trên thực tế, nhắc nhở hay xử phạt đều chưa phải là những biện pháp tối ưu để bảo vệ và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên mà tốt hơn là giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc bảo tồn và tự nguyện tham gia bảo vệ khu bảo tồn. Người dân cần hiểu rõ rằng muốn đảm bảo nguồn lợi hải sản để khai thác lâu dài thì phải gìn giữ các rạn san hô và hệ sinh thái biển. Điều đó giúp duy trì môi trường thuận lợi cho các loài thủy hải sản sinh sôi. Ngược lại, nếu môi trường bị hủy hoại, nguồn hải sản sẽ cạn kiệt dần và người chịu thiệt hại lớn nhất chính là các ngư dân.

Theo các nhà khoa học, trước đây, công tác bảo tồn thường đi đôi với việc cấm khai thác triệt để, nhưng hiện nay, chúng ta hiểu rằng bảo tồn biển thực chất là bảo vệ vùng lõi để tôm, cá sinh sôi. Theo hiệu ứng tràn, khi ở khu vực lõi mật độ hải sản quá cao thì tôm, cá tràn sang khu vực lân cận để sinh sống và ngư dân được phép đánh bắt hải sản ở chính khu vực "tràn" đó. Cồn Cỏ đang được phát triển để trở thành đảo du lịch vào năm 2020 và phấn đấu đón những du khách đầu tiên vào năm 2015. Như vậy, có một thực tế phải tính đến là liệu bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển du lịch có đặt ra đối với đảo Cồn Cỏ như đã từng xảy ra với các khu bảo tồn thiên nhiên khác ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Trả lời vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Công Thung, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện KHCN Việt Nam cho biết: Du lịch sinh thái là du lịch ở khu bảo tồn hoặc ở vùng có đa dạng sinh học cao. Nguyên tắc của loại hình du lịch này là dựa vào các hệ sinh thái và tuyệt đối không được ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của các hệ sinh thái đó. Công tác tổ chức du lịch phải dựa trên nguyên tắc đó để đưa ra các hình thức phù hợp.

Như vậy, lời giải cho bài toán nêu trên nằm ở khâu quy hoạch. Khi đã xác định một khu vực thuộc diện bảo tồn thì việc phát triển kinh tế-xã hội phải dựa vào quy hoạch tổng thể, hợp lý và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của khu bảo tồn. Điều đó chỉ có thể thực hiện tốt khi việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực có sự tham gia của những người làm công tác bảo tồn./.

Bài: Đỗ Quyên - TTXVN

No comments:

Post a Comment

Bài đăng phổ biến