Friday, February 24, 2012

Đa Dạng Sinh Học Biển Đảo Cồn Cỏ


Rạn san hô biển Cồn Cỏ


 
Rạn san hô biển Cồn Cỏ phân bố xung quanh cả 4 mặt của đảo. Rạn có cấu trúc dạng viền bờ, sự phân đới rõ ràng phân bố chủ yếu ở mặt phía đông và đông bắc. Rạn ở đây phát triển quy mô lớn, vươn rộng tới 500-1.000m với độ sâu 15-20m. Các mặt khác của đảo, rạn san hô mọc thưa thớt, phân đới không điển hình và san hô thường mọc thành đám
Ở rạn san hô có cấu trúc dạng viền bờ (fringing reef) có sự phân đới rõ ràng, mỗi đới có một quần xã san hô đặc trưng. Theo Lê Doãn Dũng và ctv, (2007) cấu trúc phân đới rạn san hô biển Cồn Cỏ như sau:
-   Mặt rạn: thành phần loài phong phú, hình thái tập đoàn đa dạng, độ phủ cao (50-100%) với thành phần chính thuộc giống Acropora.
-   Dốc rạn: nền đáy chia cắt, san hô dạng tấm phủ (Montipora) chiếm thành phần chính. Ngoài ra còn có san hô khối (Porites, Favia, Favites, Goniastrea…) và dạng lá (Echinopora, Turbilaria…) phân bố.
-   Chân rạn: Chủ yếu là san hô khối kích thước nhỏ, san hô sừng (Gorgonacea) và hải miên (Spongia) phân bố.
Tổng hợp kết quả nghiên cứu trong hai năm 2005 & 2006 (Lê Doãn Dũng và ctv, 2007) cho thấy rạn san hô phân bố quanh vùng biển Cồn Cỏ có tổng diện tích là 274ha, với độ phủ san hô cứng giữa hai năm giao động trong khoảng 20,32 (năm 2005) ~ 15,94 (năm 2006) đem lại giá trị trung bình là 18,13 ± 10,45.
So sánh diện tích rạn san hô vùng biển đảo Cồn Cỏ với một số vùng biển khác ở Việt Nam cho thấy rạn san hô biển Cồn Cỏ có diện tích hẹp, chỉ lớn hơn so với vùng rạn ở Cù Lao Chàm (39ha) và Nam Yết (250ha). Khi đánh giá về tình trạng sức khoẻ của rạn bằng phương pháp Reefcheck và đối chiếu với thang phân loại của English et al, (1994), (Lê Doãn Dũng và ctv, 2007; Nguyễn Huy Yết, 2002) cho thấy, các tiểu vùng rạn san hô biển Cồn Cỏ có chất lượng trong tình trạng trung bình đến tốt. Tuy nhiên, khi xem xét xu hướng suy giảm chất lượng “sức khoẻ” của rạn theo chuỗi thời gian bằng cách so sánh kết quả khảo sát mới nhất (Lê Doãn Dũng và ctv, 2007) với kết quả nghiên cứu trước đây (Nguyễn Huy Yết, Nguyễn Chu Hồi và ctv. 1999) cho thấy chất lượng rạn san hô vùng biển Cồn Cỏ đang trong tình trạng suy giảm
Rạn san hô được xem là có tầm quan trọng lớn đối với nguồn tài nguyên Thủy sản và du lịch biển v.v. Là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng khu Bảo tồn biển (IUCN, 1991). Nghiên cứu của Liên minh Sinh vật biển quốc tế (LMA) đã chỉ rõ những nơi có rạn san hô phát triển tốt, ngành khai thác thủy sản có thể đạt sản lượng khi khai thác 37 tấn các loại hải sản/km2/1năm, nhưng ở các rạn san hô chết chỉ đạt dưới 5 tấn/năm. Đối với ngành du lịch, cảnh quan ngầm của hệ sinh thái rạn san hô là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận của du lịch biển. Vì vậy, đối với các ngành kinh tế khai thác lợi thế từ biển trong đó có ngành du lịch thì việc bảo vệ các rạn san hô có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển bền vững.
Rạn san hô biển Cồn Cỏ được đánh giá còn đang trong tình trạng tốt. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây nhất của Viện Nghiên cứu Hải sản trong năm 2006 & 2007 đã chỉ ra rằng rạn san hô thuộc khu bảo tồn biển dự kiến đang có chiều hướng suy thoái. Vì vậy nhu cầu thành lập khu bảo tồn biển để duy trì được những rạn san hô ở đây cũng như nguồn lợi thủy sản và các loài sống phụ thuộc vào rạn san hô là một nhu cầu hết sức bức thiết.
Hệ sinh thái bãi triều đá cuội - sỏi
          Hệ sinh thái này có diện tích khoảng 28,2ha phân bố chủ yếu ở phía Đông nam và phía Nam của đảo (Lưu Xuân Hoà, 2007), khu hệ động thực vật phân bố trên hệ sinh thái này bao gồm rong biển 9 loài, động vật đáy 46 loài, thuộc các nhóm giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác và da gai v.v.
Hệ sinh thái bãi triều
Hệ sinh thái bãi triều đảo Cồn Cỏ có diện tích không lớn (khoảng 20 ha) phân bố ở phía Đông và Tây nam đảo khu hệ động vật đáy nghèo nàn, chỉ có khoảng từ 15 – 20 loài giáp xác và nhuyễn thể sinh sống (như còng, cáy, ốc mượn hồn, ốc ..) hệ thực vật chủ yếu là các loài rong biển phân bố như ngành rong nâu Phaeophyta chiếm khoảng 30% tổng số loài; ngành rong đỏ Rhodophyta chiếm khoảng 46% và ngành rong lục Chlorophyta chiếm khoảng 23% tổng số loài xuất hiện trong hệ sinh thái này (Lưu Xuân Hoà, 2007).
Đặc điểm nguồn lợi và giá trị đa dạng sinh học
    + Nguồn lợi cá biển khơi
Cồn Cỏ nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên phong phú, tính đa dạng sinh học cao (hình 2). Kết quả nghiên cứu đã thống kê được khoảng khoảng 960 loài cá phân bố ở vùng vịnh Bắc Bộ (Phạm Thược, 2005) thì có khoảng 49 loài có giá trị kinh tế cao. Trong tổng số loài được thống kê tại ngư trường Cồn Cỏ, hầu hết thuộc các loài cá nhiệt đới biển nông, một số ít thuộc loài cá xa bờ và không có loài cá nước lợ.
Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Thược (2006), tại ngư trường Cồn Cỏ, sản lượng khai thác của nghề lưới kéo luôn cho kết quả cao đạt ~ 200kg/h. Trong đó cá nổi có khoảng 28 loài cho sản lượng khai thác cao, chiếm trên 60% tổng sản lượng (cá nục sồ chiếm 29,31%, cá trích bàu chiếm 5,88%, cá phèn 1 sọc 4,78%, cá mối thường 3,41%, cá phèn hai sọc 2,95%, cá nục tròn 2,61%, cá miễng sành vàng 2,42%, cá sòng cộ 2,36%, cá hồng đỏ 2,19%, cá miễng sành 2,18%; 5 loài chiếm 1-2%), còn lại là nhóm cá tầng giữa, tầng đáy, tôm, mực và các loài hải sản khác (Phạm Thược, 2006).
Ước tính trữ lượng của 28 loài cá cho sản lượng cao cho thấy: Cá nục sồ có sản lượng tới 5.280 tấn (mật độ 1,12 tấn/km2); cá trích bầu - 1.059,5 tấn (mật độ 0,22 tấn/km2), cá phèn 1 sọc - 860,4 tấn (0,18 tấn/km2); cá mối thường - 613,8 tấn (0,13 tấn/km2); cá phèn hai sọc -531,8 tấn (0,11 tấn/km2); cá nục thuôn - 470,2 tấn (0,10 tấn/km2). Các loài khác có mật độ dưới 0,10 tấn/km2.
  + Nguồn lợi cá rạn san hô
Theo thống kê của Đỗ Văn Khương et al (2007) cho thấy, tại vùng biển Cồn Cỏ đã phát hiện tổng số 87 loài/nhóm loài cá rạn san hô, thuộc 46 giống, 25 họ. Trong danh mục các họ cá được phát hiện, những họ có số lượng loài cao theo thứ tự là: họ cá bàng chài (Labridae) có 16 loài, họ cá thia (Pomacentridae) có 14 loài, họ cá bướm (Chaetodontidae) và họ cá mú (Serranidae) mỗi họ có 11 loài, họ cá mó (Scaridae) có 5 loài, họ cá sơn đá (Holocentridae), họ cá lượng (Nemipteridae), họ cá (Pseudochromidae) và họ cá dìa (Siganidae) mỗi họ có 3 loài, các họ khác còn lại có số lượng loài thấp dao động từ 2-11 loài.
Chỉ số đa dạng sinh học loài (H) của quần xã cá rạn san hô giữa các khu vực rất khác nhau. Theo tính toán từ nguồn số liệu khảo sát trong 2 năm (2006 & 2007) cho thấy H’ trung bình ở các vùng rạn dao động từ 0,78 đến 1,18 và trung bình cho toàn vùng biển Cồn Cỏ là 1,39.
          Dựa vào giá trị sử dụng, nguồn lợi cá rạn biển Cồn Cỏ có thể được chia thành 3 nhóm: (1) nhóm cá có giá trị làm thực phẩm, (2) nhóm cá cảnh và (3) nhóm cá điển hình cho hệ sinh thái rạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại vùng biển Cồn Cỏ đã thống kê được 43 có giá trị làm thực phẩm cao, 35 loài cá cảnh và 16 loài cá điển hình cho hệ sinh thái rạn san hô biển nhiệt đới (Lại Duy Phương, 2007).
Cá rạn san hô biển Cồn Cỏ phân bố trên các vùng rạn có mật độ tương đối cao, chúng biến động trong khoảng từ 162 ÷ 437 cá thể/500m2 (bảng 3). Tuy nhiên do ảnh hưởng của các hoạt động khai thác, và các yếu tố ngoại cảnh khác nên kích thước của cá thể các loài cá tại đây thường nhỏ. Trong đó nhóm có kích thước từ 11-20cm chiếm tỷ lệ cao nhất (63,94%), và nhóm có kích thước > 30cm chỉ chiếm 1,29%
Khối lượng trung bình nhóm cá rạn ước tính tại vùng biển Cồn Cỏ đạt 23,0 kg/500m2 rạn với khoảng biến động từ 14,9 ÷ 34,5 kg/500m2 và trữ lượng là 145,28 tấn, cho khả năng khai thác bền vững ở mức 79,2 tấn. So với một số vùng biển khác ở Việt Nam cho thấy, khối lượng nhóm cá rạn tại vùng biển Cồn Cỏ có giá trị cao nhất (bảng 4). Đây là một kết quả đáng mừng đối với tiềm năng nguồn lợi cá rạn san hô vùng biển Cồn Cỏ. Vì vậy cần phải có các biện pháp bảo vệ hưu hiệu hơn nữa để duy trì một cách bền vững nhóm nguồn lợi này.
   + Thực vật phù du
Tổng hợp kết quả điều tra của Lê Thanh Tùng và ctv (2007) cho thấy, tại vùng biển Cồn Cỏ đã xác định được tổng số 164 loài thực vật phù du thuộc 3 ngành tảo si líc, tảo giáp và tảo lam. Trong đó tảo silíc chiếm ưu thế về thành phần loài (133 loài, chiếm 81,09% tổng số loài), sau đó là tảo giáp (24 loài, 14,6%), tảo lam chỉ có 7 loài (4,3%).
Số lượng loài cũng như tỷ lệ thành phần loài trong cấu trúc quần xã thực vật phù du thay đổi theo từng thời kỳ. Điều đó không nằm ngoài quy luật phân bố định tính của thực vật phù du tại vùng biển này: sự thay đổi thành phần loài phụ thuộc vào các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, độ mặn, muối dinh dưỡng, dòng chảy...), và chu kỳ phát triển ưu thế của mỗi nhóm loài lấn át các nhóm loài khác trong một khoảng thời gian nhất định phù hợp. Trong thành phần loài thực vật phù du tại Cồn Cỏ hầu hết là các loài thực vật phù du biển nhiệt đới:
- Nhóm loài nhạt muối đặc trưng cho vùng biển ven bờ bao gồm đa số các loài tiêu biểu như Dithilium sol,  Thalassionema nitzschioides, Th. frauenfeldii, Chaetoceros affinis...
- Nhóm loài ưa độ mặn cao, đặc trưng cho vùng biển khơi chiếm một tỷ lệ khá cao so với các vùng biển ven bờ phía bắc Việt nam. Các loài điển hình như Chaetoceros atlanticus, Ch. coarctatus, Ch. messanensis, Planktoniella sol, Rhizosolenia robusta...
- Ngoài hai nhóm thích ứng sinh thái chủ yếu trên là tập hợp các loài pha trộn giữa hai nhóm, có khả năng thích nghi với độ mặn thay đổi.
Tại mỗi khu vực khảo sát, có sự khác nhau về mức độ phong phú thành phần loài. Vùng nước ven bờ có 112 loài, phong phú nhất. Vùng biển khơi kém phong phú hơn cả, có 90 loài. Cấu trúc thành phần loài giữa các ngành tảo ở mỗi khu vực cũng khác nhau. Nhìn chung, vùng nước ven bờ, tảo silíc có tỷ lệ thành phần loài chiếm ưu thế hơn so với vùng có độ sâu 20m và vùng biển khơi. Ngược lại, vùng biển khơi và vùng có độ sâu 20m có tỷ lệ các loài tảo lam và tảo giáp cao hơn so với vùng nước ven bờ.
Trong vùng biển Cồn Cỏ, mật độ thực vật nổi dao động từ khoảng 60.000  đến trên 83 triệu tb/m3. Với mật độ số lượng thực vật phù du như vậy là mức trung bình so với các vùng biển khác. Trong cấu trúc mật độ thực vật phù du, các loài tảo silíc hầu như chiếm ưu thế (khoảng 85 đến 99%). Tại khu vực biển khơi, tảo lam thường chiếm một tỷ lệ đáng kể hơn trong mật độ thực vật phù du so với các vùng ven bờ. Ngược lại, cũng ở vùng biển khơi, mật độ tảo silíc lại có mật độ thấp hơn so với các vùng nước ven bờ. Mật độ số lượng thực vật nổi khác nhau theo tầng nước, theo từng khu vực và theo từng thời điểm.
    + Động vật phù du
Cho đến nay, đã xác định đựoc 68 loài/ nhóm loài động vật phù du (Lê Thanh Tùng, 2007). Trong thành phần loài động vật phù du không thấy các loài đặc trưng cho vùng nước lợ cửa sông. Trên cơ sở thích ứng độ mặn, có thể  thấy hai tập hợp loài thích ứng sinh thái chính là:
- Nhóm loài ưa mặn, đặc trưng cho vùng biển khơi, tiêu biểu là loài Eucalanus pseudattenuatus, Eu. attenuatus, Euchaeta concinna. Lucicutia ovalis, Nanocalanus minor... Những loài này chỉ thấy xuất hiện tại khu vực biển khơi.
- Nhóm loài nhạt muối, đặc trưng cho vùng nước ven bờ bao gồm đa số các loài đã xác định được, tiêu biểu là Canthocalanus pauper, Calanus sinicus, Calanopia elliptica, các loài thuộc giống Centropage... Nhóm giáp xác râu ngành Cladocera chỉ thấy ở vùng nước ven bờ.
Số lượng loài/nhóm loài động vật phù du cao nhất ở vùng nước ven bờ tới độ sâu 20m nước, vùng biển khơi có thành phần loài thấp hơn. Tại mỗi khu vực, tỷ lệ giữa các loài/nhóm loài động vật phù du cũng có sự sai khác. Vùng biển ven bờ, nhóm giáp xác chân chèo có tỷ lệ cao nhất, sau đó là khu vực có độ sâu từ sâu 20 - 50m nước và thấp nhất là vùng biển khơi. Nhóm giáp xác râu ngành chỉ thấy phân bố ở vùng nước ven bờ. Số lượng loài cũng như tỷ lệ trong cấu trúc thành phần loài có sự thay đổi giữa các tập hợp loài tuỳ theo sự thay đổi của điều kiện môi trường và nguồn thức ăn (thực vật phù du).
Trong khu vực biển Cồn Cỏ, mật độ động vật phù du dao động trong khoảng 116 đến trên 36.000 con/m3. Trong đó, nhóm giáp xác chân chèo chiếm ưu thế về mật độ số lượng (từ 50 tới trên 99%). Tại khu vực ven bờ, mật độ nhóm giáp xác chân chèo có tỷ lệ thấp hơn so với các vùng nước sâu hơn ngoài khơi, đồng thời ở khu vực biển ven bờ. Các nhóm động vật nổi khác ngoài giáp xác chân chèo cũng rất phong phú về thành phần và số lượng trong khối nước vùng ven bờ.
    + Nguồn lợi động vật đáy
a) Động vật thân mềm:
Tại vùng biển Cồn Cỏ có nhiều loài động vật đáy cỡ lớn có giá trị kinh tế cao  như ốc nón (Trochus spp.), bàn mai (Pinna spp.), trai ngọc (Pteria spp.), ốc đá (Clypemorus spp.), cua đá (Eriphia laevimana), bào ngư bầu dục (Haliotis ovina), ốc đụn (Trochus spp.), ốc chóp (Turbo spp.), điệp (Amusium spp.), ghẹ (Gafrarium spp.).v.v. Mật độ động vật đáy trung bình tại vùng biển này ước tính đạt khoảng 56 con/m2, tương ứng với sinh khối là 22,85g/m2. Tổng lượng sinh vật ước tính có thể đạt trên 2.000 tấn (Nguyễn Huy Yết và ctv, 2005), . Chúng tạo thành bãi hải sản có tiềm năn với giá trị kinh tế cao quanh khu vực vùng biển Cồn Cỏ.
b) Động vật giáp xác:
Tại vùng biển Cồn Cỏ đã xác định được 9 loài giáp xác, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm Panulirus spp, cùm đá Eriphia laevimana, ghẹ đá Chrybdis anisodon, ghẹ hoa Portunus pelagicus ngoài ra, tại vùng biển này còn có các loài tôm he họ Penaeidae loài moi Acetes spp có mật độ khá cao.
  + Rong - Cỏ biển
Tổng hợp kết quả điều tra của các tác giả Lê Thị Thanh (1999), Nguyễn Huy Yết (1999), Đinh Thanh Đạt (2007) cho thấy, vùng ven đảo Cồn Cỏ đã phát hiện được 1 loài cỏ biển (loài cỏ xoan Halophila ovalis) và 56 loài rong biển thuộc 3 ngành, 24 họ. Trong đó ngành rong nâu Phaeophyta có 17 loài thuộc 6 họ, chiếm 30,36%; ngành rong đỏ Rhodophyta có 26 loài thuộc 11 họ, chiếm 46,43% và ngành rong lục Chlorophyta có 13 loài thuộc 7 họ chiếm 23,18%. Chúng tập trung phân bố ở các bãi đá, bãi cát có sỏi, vỏ nhuyễn thể, san hô. Mùa vụ sinh trưởng và phát triển chủ yếu là vụ đông - xuân (tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) khi nước biển có độ muối cao và ổn định (độ muối từ 25-32‰), ít mưa, nước trong và không có phù sa bồi lắng. Rong tàn lụi khi nhiệt độ nước cao trên 300C và độ muối thấp. Đây chính là hai yếu tố quyết định mùa vụ rong biển tại Cồn Cỏ (Đinh Thanh Đạt, 2007; Lê Thị Thanh, 1999).
Trong tổng số 56 loài rong biển phân bố ở vùng ven đảo Cồn Cỏ, đã xác định được 14 loài có giá trị kinh tế, trong đó:
- Nhóm dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến keo agar và keo carrageenan gồm các loài rong câu Gracilaria arcuata, Gracilaria salicornia; rong đá cong Gelidiella acerosa, rong đông Hypnea boergesenii, Hypnea espery; rong chạc Gymnogongrus; rong gai Acanthophora muscoides.
- Nhóm rong dùng làm dược liệu gồm các loài rong guột Caulerpa racemosa, rong gai Acanthophora spicifera, rong quạt bốn lớp Padina tetrastromatica.
- Nhóm rong làm thực phẩm như rong guột Caulerpa, rong đá cong Gelidiella, rong câu Gracilaria, rong đông Hypnea.
- Nhóm rong làm thức ăn cho gia súc: Gồm  những chi rong bún Enteromorpha, rong câu Gracilaria, rong đông Hypnea.
- Nhóm rong làm phân bón: Gồm những chi có trữ lượng cao như rong mơ Sargassum, rong bún Enteromorpha.
          Về sinh lượng, các kết quả tính toán cho thấy trữ lượng rong mơ ở vùng triều đảo Cồn Cỏ ước tính khoảng 30 tấn. Trong đó rong mơ Sargassum binderi có sinh khối 5.500 g/m2, rong mơ lá kép Sargassum duphicatum là 3.200g/m2.
Tóm lại, với sự hiện diện của loài cỏ biển và 56 loài rong quanh vùng biển Cồn Cỏ đã góp phần làm đa dạng các hệ sinh thái tại vùng biển này; chúng có vai trò quan trọng về sinh thái học, cụ thể là góp phần duy trì những chức năng sinh thái học trong khu bảo tồn biển tương lai. Những thảm rong - cỏ biển này cùng với các rạn san hô tại Cồn Cỏ cùng nhau đảm bảo tính liên tục trong việc tạo ra những nơi sinh sống, và những nơi kiếm ăn khác nhau cho các loài di cư, đặc biệt là những loài sinh sống tại các thảm rong - cỏ biển và rạn san hô. Các thảm rong - cỏ biển cũng đóng vai trò đảm bảo sự tồn tại cho các ấu trùng và con non di chuyển từ khu bảo tồn biển ra bên ngoài, sự cùng tồn tại giữa các thảm cỏ biển và các rạn san hô ở Cồn Cỏ sẽ góp phần đảm bảo tính liên tục về sinh thái học cho cả vùng.
 Có thể nói, với giá trị tiềm năng nguồn lợi hải sản của đảo Cồn Cỏ là cơ sở quan trọng đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo. Đồng thời cũng đòi hỏi cần có những giải pháp kinh tế kỹ thuật, khoa học đồng bộ để có thể quản lý, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên phong phú giàu tiềm năng, nhưng cũng rất mẫn cảm với môi trường, sinh thái này.
 Cho tới giữa những năm 50 của thế kỷ XX, Cồn Cỏ vẫn là một đảo hoang sơ chưa có dân cư trú thường xuyên. Tuy nhiên do vị trí của đảo không quá xa bờ, khí hậu tương đối ôn hoà, đất đai tốt, có thảm rừng che phủ lại có nguồn nước ngọt, nên từ xa xưa dân cư khu vực ven biển Gio Linh, Vĩnh Linh đã thường đến đảo trong mùa ít mưa bão để tiến hành các hoạt động kinh tế - đời sống mang tính thời vụ trên đảo như: khai thác gỗ, canh tác, trồng trọt theo hình thức nương rẫy v.v. Ngoài ra trong mùa mưa bão, đảo còn là nơi tạm trú của tàu thuyền đánh cá.
          Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ đã trở thành một địa danh lịch sử gắn liền với một giai đoạn hào hùng trong truyền thống giữ nước của dân tộc. Có thể coi đây là thời kỳ bắt đầu hội tụ những yếu tố để chuyển từ một thực thể tự nhiên lãnh thổ trở thành một thực thể lãnh thổ mang bản sắc xã hội- nhân văn. Với sự quản lý sinh sống thường xuyên, bước đầu khai thác các lợi thế tiềm năng của đảo và quan trọng nhất là tạo nên truyền thống lịch sử cho những thế hệ dân cư trên đảo.
          Sự phát triển kinh - tế xã hội trên đảo đã và đang thể hiện ngày càng rõ nét mối quan hệ xã hội – nhân văn, giữa cộng đồng cư dân trên đảo với đất liền. Đảo không chỉ là bộ phận lãnh thổ mà còn là một bộ phận trong truyền thống văn hoá lịch sử của tỉnh Quảng Trị. Mối giao hoà vật chất - tinh thần trong kinh tế đời sống giữa cư dân trên đảo với đất liền chính là nguồn động lực để Cồn Cỏ có thể vượt qua mọi thử thách khó khăn của chiến tranh cũng như là của những điều kiện tự nhiên. Sự phát triển về xã hội ở Cồn Cỏ cũng chính là bộ phận cấu thành quan trọng trong sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên toàn lãnh thổ tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

No comments:

Post a Comment

Bài đăng phổ biến